Thủ tướng yêu cầu siết kỷ cương trong phòng cháy, chữa cháy

(PLO)- Thủ tướng yêu cầu người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương phải thực sự trách nhiệm, tập trung thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm trong công tác phòng cháy, chữa cháy.

Ngày 5-11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá kết quả 10 tháng thực hiện Chỉ thị 01/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) trong tình hình mới.

PCCC là nhiệm vụ quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội

Tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao Bộ Công an đã chuẩn bị tốt nội dung, chương trình hội nghị. Báo cáo của Bộ Công an đã thẳng thắn đánh giá toàn diện về tình hình, kết quả, hạn chế, tồn tại, khó khăn, chỉ ra nguyên nhân, trên cơ sở đó đề ra nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới. Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, phân tích, góp nhiều ý kiến, qua đó cho thấy được bức tranh toàn cảnh về công tác này.

Về kết quả đạt được, các báo cáo, ý kiến tại hội nghị đánh giá thời gian qua, các cấp, các ngành, các địa phương, nòng cốt là lực lượng công an đã nghiêm túc quán triệt, quyết liệt tổ chức triển khai chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác PCCC, nhất là chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, một số kết quả bước đầu tích cực.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng đánh giá cao sự nỗ lực, kết quả mà các bộ, ngành, địa phương, các lực lượng chức năng đã đạt được trong công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ thời gian qua, đã đóng góp tạo môi trường an ninh, an toàn, an dân, sự bình yên cho cuộc sống và phát triển kinh tế – xã hội.

Thủ tướng yêu cầu các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, chủ tịch UBND các tỉnh, TP nghiêm túc rút kinh nghiệm, chấn chỉnh trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ, nâng cao hiệu quả công tác này trong thời gian tới.

Chuyển thanh tra, điều tra, xử lý không có vùng cấm

Dự báo thời gian tới, tình hình cháy nổ, sự cố, tai nạn tiếp tục diễn biến phức tạp, nhất là tại các khu dân cư, nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ; cơ sở kinh doanh dịch vụ cho thuê trọ, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh dịch vụ; chợ, trung tâm thương mại, nhà cao tầng, khu công nghiệp, cơ sở có tập trung đông người; nhiều công trình, cơ sở hạ tầng xuống cấp không đáp ứng yêu cầu quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC nhưng chưa thể khắc phục được ngay.

Thủ tướng yêu cầu người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương phải thực sự trăn trở, trách nhiệm, tập trung thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm; tiếp tục quán triệt triển khai có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nhất là chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về tăng cường công tác PCCC.

Lực lượng công an đã kiểm tra, xử lý vi phạm về PCCC và cứu nạn, cứu hộ quyết liệt hơn, không có ngoại lệ, đã kiểm tra an toàn PCCC gần 190.000 cơ sở; phát hiện 67.000 tồn tại và kiến nghị khắc phục; ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính hơn 8.500 trường hợp…, đặc biệt đã hạn chế thiệt hại do cháy nổ, sự cố, tai nạn, trực tiếp cứu được gần 900 người; bảo vệ tài sản trị giá hàng ngàn tỉ đồng và cứu được tài sản trị giá gần 270 tỉ đồng trong các vụ cháy.

Siết chặt kỷ luật, kỷ cương; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về xây dựng, về PCCC, điện lực, khắc phục ngay những sơ hở, thiếu sót. Tiếp tục thường xuyên rà soát, kiểm tra, xử lý vi phạm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Những tồn tại có dấu hiệu vi phạm pháp luật phải chuyển các cơ quan thanh tra, kiểm tra, điều tra để xác minh, làm rõ, xử lý nghiêm.

Thủ tướng cũng yêu cầu tập trung nâng cao năng lực của lực lượng PCCC, nòng cốt là lực lượng cảnh sát PCCC; củng cố các lực lượng tại khu dân cư, cơ sở. Cùng với đó là xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa lực lượng làm nhiệm vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Các cơ quan, đơn vị cần quan tâm đầu tư và xây dựng cơ sở vật chất, hậu cần cho lực lượng cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ. Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, sản xuất phương tiện, thiết bị PCCC và cứu nạn, cứu hộ.

Tiếp tục tổng rà soát các chung cư, nhà ở nhiều căn hộ, cơ sở cho thuê trọ có mật độ người ở cao, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh có nguy cơ cháy nổ, trong đó phải phân loại, đánh giá cụ thể từng nhóm tồn tại, vi phạm về trật tự xây dựng, PCCC, điện lực để có giải pháp phù hợp.

TP.HCM đề nghị quy định PCCC sát thực tiễn

Báo cáo tại điểm cầu TP.HCM, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết sau khi có Chỉ thị 01/2023, TP đã tổ chức hai đoàn cấp TP, Công an TP lập sáu tổ công tác và đã tổ chức kiểm tra ở ba cấp với gần 60.000 lượt kiểm tra. Qua đó, TP.HCM đã xử lý khoảng 7.000 trường hợp sai phạm.

TP cũng thành lập 3.200 tổ liên gia PCCC và đang chỉ đạo các xã, phường thành lập khoảng 80.000 tổ để đảm bảo việc PCCC tại chỗ.

TP.HCM có 60.488 chung cư, nhà nhiều căn hộ, nhà nhiều phòng trọ, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh… Trong đó có 55.444 nhà trọ, phòng trọ. Theo ông Phan Văn Mãi, những nơi này thường ở vị trí sâu, tiếp cận khó, không đạt chuẩn về xây dựng và PCCC. Ngoài ra, những căn nhà này bố trí sắp xếp lối đi không hợp lý, ảnh hưởng đến lối thoát hiểm và lối di chuyển để cứu hộ.

Để đảm bảo công tác PCCC tại địa phương, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi kiến nghị Chính phủ rà soát và hoàn thiện các khung pháp lý, đặc biệt là các quy chuẩn, tiêu chuẩn phù hợp với đặc điểm tình hình tại TP.

Chủ tịch Phan Văn Mãi kiến nghị Bộ Công an cập nhật chương trình đào tạo, tập huấn về PCCC và bổ sung việc tập huấn cho công an xã, phường hằng tháng hoặc hằng năm để lực lượng này trở thành nòng cốt PCCC tại địa phương.

Nguồn: https://plo.vn/thu-tuong-yeu-cau-siet-ky-cuong-trong-phong-chay-chua-chay-post760074.html