Một số quy định mới quan trọng về Hợp đồng Xây dựng có hiệu lực từ ngày 20/04/2023

Thông tư 02/2023/TT-BXD quy định việc hướng dẫn một số nội dung về Hợp đồng Xây dựng (“Thông tư 02”) chính thức có hiệu lực từ ngày 20/04/2023. Thông tư 02 có thể coi là Thông tư “then chốt” và mang tính tổng hợp, thống nhất về cấc quy định liên quan hợp đồng xây dựng, thay thế 04 Thông tư liên quan đến hợp đồng xây dựng trước đó:

Thông tư số 07/2016/TT-BXD ngày 10/3/2016 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng hướng dẫn điều chỉnh giá hợp đồng xây dựng;

  • Thông tư số 08/2016/TT-BXD ngày 10/3/2016 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng hướng dẫn một số nội dung về hợp đồng tư vấn xây dựng;
  • Thông tư số 09/2016/TT-BXD ngày 10/3/2016 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng hướng dẫn hợp đồng thi công xây dựng công trình; và
  • Thông tư số 30/2016/TT-BXD ngày 30/12/2016 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng hướng dẫn hợp đồng thiết kế – cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình.

Dưới đây là một số quy định đáng chú ý:

  1. Mở rộng phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

Thay vì việc Bộ Xây dựng phải có ba thông tư riêng biệt cho ba loại hợp đồng xây dựng, thì Thông tư này đã gộp vào để quy định chung cả ba loại hợp đồng trong cùng một thông tư. Thông tư này điều chỉnh cả ba loại hợp đồng gồm:

  • Hợp đồng thi công xây dựng;
  • Hợp đồng tư vấn xây dựng;
  • Hợp đồng Thiết kế – Mua sắm vật tư, thiết bị – Thi công xây dựng công trình (Hợp đồng EPC)

Đối tượng áp dụng của Thông tư gồm: Các tổ chức, cá nhân liên quan đến việc xác lập và quản lý thực hiện hợp đồng xây dựng thuộc các dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công và hợp đồng xây dựng giữa doanh nghiệp dự án với các nhà thầu xây dựng thực hiện các gói thầu thuộc dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư. Các tổ chức, cá nhân tham khảo các quy định tại Thông tư này để xác lập và quản lý hợp đồng xây dựng đối với các dự án sử dụng vốn.

Như vậy, kể cả các đối tượng không thuộc Điều 2 cũng có thể tham khảo để áp dụng trong quá trình xây dựng hợp đồng, quy trình/quy chế nội bộ có liên quan.

Đối với hợp đồng xây dựng thuộc các dự án sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức, vốn vay ưu đãi phát sinh từ Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có những quy định khác với các quy định tại Thông tư này thì thực hiện theo các quy định của Điều ước quốc tế đó.

  1. Về một số nội dung chi tiết đáng lưu ý của Thông tư 

2.1. Về thanh toán, tạm ứng

Theo Thông tư 02, việc tạm ứng trong hợp đồng xây dựng được quy định tại Khoản 4 Điều 19 Nghị định số 37/2015/NĐ-CP căn cứ vào điều kiện cụ thể của từng lần tạm thanh toán để quyết định giá trị tạm thanh toán và biện pháp bảo đảm đối với các khoản tạm thanh toán, đảm bảo hiệu quả, tránh thất thoát vốn. Một số trường hợp cụ thể như sau:

Thứ nhất, đối với hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh, khi đến kỳ thanh toán chưa có dữ liệu điều chỉnh đơn giá, giá hợp đồng thì sử dụng đơn giá trong hợp đồng để thực hiện tạm thanh toán.

Thứ hai, đối với các sản phẩm, công việc, công tác đang trong quá trình thi công, chưa hoàn thành theo đúng yêu cầu của hợp đồng thì căn cứ mức độ hoàn thành đối với từng trường hợp cụ thể và chi tiết đơn giá sản phẩm, công việc, công tác đó trong hợp đồng để thực hiện tạm thanh toán;…

Hồ sơ tạm ứng (tạm thanh toán) bao gồm: Biên bản nghiệm thu khối lượng hoặc Biên bản xác nhận khối lượng (nếu chưa đủ điều kiện để nghiệm thu), Bảng tính giá trị thanh toán phát sinh (tăng hoặc giảm); Bảng tính giá trị tạm thanh toán và Đề nghị tạm thanh toán.

2.2. Về điều chỉnh khối lượng công việc

Thông tư quy định việc điều chỉnh khối lượng công việc trong hợp đồng xây dựng thực hiện theo quy định tại Điều 37, Nghị định số 37/2015/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại khoản 13, Điều 1, Nghị định số 50/2021/NĐ-CP. Việc điều chỉnh khối lượng công việc giữa các thành viên trong liên danh nhà thầu không làm thay đổi giá hợp đồng xây dựng thì chủ đầu tư quyết định trên cơ sở thỏa thuận, thống nhất của các thành viên liên danh và năng lực, kinh nghiệm của từng thành viên, đảm bảo an toàn, chất lượng, hiệu quả, tiến độ của hợp đồng.

2.3. Về điều chỉnh tiến độ 

Thông tư quy định việc điều chỉnh tiến độ thực hiện hợp đồng xây dựng theo quy định tại Điều 39, Nghị định số 37/2015/NĐ-CP. Khi điều chỉnh tiến độ hợp đồng xây dựng quy định tại điểm a, khoản 2, Điều 39 Nghị định số 37/2015/NĐ-CP, bên giao thầu và bên nhận thầu có trách nhiệm đánh giá tác động của các sự kiện bất khả kháng đến tiến độ thực hiện hợp đồng xây dựng để xác định, quyết định điều chỉnh cho phù hợp. Trường hợp tạm dừng thực hiện công việc theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định tại điểm d, khoản 2, Điều 39 Nghị định số 37/2015/NĐ-CP.

2.4. Về điều chỉnh đơn giá và giá hợp đồng

Theo Thông tư, việc điều chỉnh đơn giá hợp đồng xây dựng thực hiện theo quy định tại Điều 38 Nghị định số 37/2015/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại khoản 14 Điều 1 Nghị định số 50/2021/NĐ-CP.

Khi điều chỉnh giá hợp đồng xây dựng dẫn đến phải điều chỉnh, bổ sung hợp đồng thì phải ký kết phụ lục hợp đồng làm cơ sở điều chỉnh giá hợp đồng. Chủ đầu tư có trách nhiệm phê duyệt hoặc trình phê duyệt dự toán điều chỉnh, phát sinh theo đúng các quy định của pháp luật về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình và hợp đồng xây dựng làm cơ sở ký kết phụ lục bổ sung hợp đồng.

Phương pháp điều chỉnh giá hợp đồng xây dựng thực hiện theo hướng dẫn tại Phụ lục I kèm theo Thông tư này. Việc áp dụng các phương pháp điều chỉnh giá phải phù hợp với tính chất công việc, loại giá hợp đồng, đồng tiền thanh toán và phải được thỏa thuận trong hợp đồng.

Đối với hợp đồng tư vấn xây dựng thực hiện thanh toán theo thời gian (theo tháng, tuần, ngày, giờ) thì việc điều chỉnh mức tiền lương cho chuyên gia thực hiện theo công thức điều chỉnh cho một yếu tố chi phí nhân công tại mục I Phụ lục I kèm theo Thông tư này.

2.5. Về sử dụng, vận dụng mẫu Hợp đồng xây dựng

Thông tư ban hành kèm theo các mẫu hợp đồng tư vấn xây dựng, hợp đồng thi công, hợp đồng EPC để các bên tham khảo và sử dụng trong thực tiễn; nhưng đồng thời đưa ra quy định linh hoạt về việc bên giao thầu, nhà thầu chính, các bên có liên quan chỉ nghiên cứu vận dụng các nội dung cần thiết của mẫu hợp đồng để xác lập, quản lý thực hiện hợp đồng chứ không bắt buộc phải áp dụng hợp đồng mẫu.

  • Mẫu Hợp đồng tư vấn xây dựng tại Phụ lục II kèm theo Thông tư này sử dụng cho loại Hợp đồng tư vấn thực hiện công việc lập báo cáo nghiên cứu khả thi, khảo sát xây dựng, thiết kế xây dựng công trình, giám sát thi công xây dựng công trình.
  • Mẫu Hợp đồng thi công xây dựng tại Phụ lục III kèm theo Thông tư này.
  • Mẫu Hợp đồng EPC tại Phụ lục IV Thông tư này sử dụng cho loại hợp đồng trọn gói. Trường hợp áp dụng các hình thức giá Hợp đồng theo đơn giá cố định, đơn giá điều chỉnh hoặc Hợp đồng theo giá kết hợp, thì các bên căn cứ vào các quy định của pháp luật và Thông tư này để sửa đổi, bổ sung điều khoản của Hợp đồng EPC để xác lập Hợp đồng.

Khi sử dụng các mẫu hợp đồng theo Thông tư 02/2023/TT-BXD để thỏa thuận, ký kết hợp đồng xây dựng thì các bên căn cứ vào yêu cầu, điều kiện cụ thể của gói thầu, dự án và các quy định tại văn bản liên quan để thực hiện:

  • Nghị định 37/2015/NĐ-CP (sửa đổi bởi Nghị định 50/2021/NĐ-CP);
  • Các quy định khác của pháp luật và nội dung theo hướng dẫn của Thông tư 02/2023/TT-BXD.

Ngoài ra, khác với các mẫu hợp đồng trước đây, các mẫu hợp đồng ban hành kèm Thông tư 02 được xây dựng theo cấu trúc gồm Điều kiện chung và Điều kiện cụ thể. Việc xây dựng hợp đồng theo cấu trúc này giúp việc soạn thảo và quản lý hợp đồng trở nên thuận tiện hơn và phù hợp với xu hướng chung của một số mẫu hợp đồng theo thông lệ quốc tế, mà tiêu biểu là các mẫu do FIDIC ban hành.

Có thể thấy, Thông tư 02 đã có nhiều nội dung quy định cụ thể, chi tiết việc hướng dẫn, điều chỉnh một số nội dung về Hợp đồng xây dựng. Những quy định mới này sẽ cập nhật đúng thực trạng ngành xây dựng hiện nay, tạo tiền đề để các cá nhân, tổ chức tham khảo và vận dụng đảm bảo Hợp đồng xây dựng đúng quy định pháp luật; góp phần thúc đẩy sự phát triển ngành xây dựng nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung.

Nguồn: http://vietthink.vn/2300/print-article.html