ĐBQH Đỗ Đức Hiển: Nhận diện bất cập pháp luật, chấn chỉnh cán bộ sợ trách nhiệm
(PLO)- Các quy định pháp luật cần thường xuyên được rà soát, kịp thời khắc phục các khiếm khuyết, bất cập nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước cũng như sự phát triển về kinh tế – xã hội.
Để khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, nhiều ý kiến cho rằng các cơ quan Trung ương cần có sự rà soát, chỉnh sửa những chồng chéo, bất cập trong quy định pháp luật khiến cán bộ sợ sai, không dám làm.
Ông Đỗ Đức Hiển, đại biểu Quốc hội (QH) TP.HCM, cho biết vừa qua Chính phủ đã rà soát hàng trăm văn bản quy phạm pháp luật theo Nghị quyết 101/2023 của QH. Qua đó, nhận diện, khắc phục những bất cập của hệ thống pháp luật nhằm khơi thông nguồn lực cho phát triển, góp phần làm rõ nguyên nhân của tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm ở một bộ phận cán bộ hiện nay.
Rà soát hơn 500 văn bản để làm rõ bất cập
. Phóng viên: Tại kỳ họp thứ 6, QH khóa XV lần này, Chính phủ đã có báo cáo về kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo Nghị quyết 101/2023. Nội dung này cũng được đưa ra thảo luận tại nghị trường. Ông có thể cho biết việc rà soát được tiến hành ra sao và kết quả?
+ ĐBQH Đỗ Đức Hiển: Thực hiện Nghị quyết 101, thời gian qua, Chính phủ đã rất khẩn trương, tích cực trong công tác chỉ đạo tổ chức thực hiện rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo yêu cầu của QH. Chính phủ đã rà soát 523 văn bản gồm 66 luật, hai pháp lệnh, tám nghị quyết của QH, Ủy ban Thường vụ QH; 167 nghị định, 63 quyết định của Thủ tướng và 217 thông tư.
Mặc dù phạm vi rà soát rộng, tính chất phức tạp khi liên quan đến nhiều lĩnh vực, bộ, ngành song công tác rà soát đã được thực hiện nghiêm túc, có sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan. Đặc biệt, các cơ quan của Chính phủ, QH đã rà soát thận trọng, kỹ lưỡng để làm rõ các nội dung, quy định có vướng mắc, bất cập hoặc mâu thuẫn, chồng chéo trong các văn bản và đề xuất hướng xử lý cụ thể.
Qua đó, mỗi kiến nghị sửa đổi luật đều được cân nhắc bảo đảm thực sự cần thiết và thích đáng, tránh cả hai thái cực là mọi vấn đề khó khăn, vướng mắc đều quy cho thể chế, pháp luật mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập hoặc tuyệt đối hóa pháp luật đều tốt mà bất cập, vướng mắc là do công tác tổ chức thực hiện.
Kết quả rà soát cho thấy, số lượng văn bản và nội dung có mâu thuẫn, chồng chéo không nhiều, chủ yếu là nội dung bất cập do một số văn bản được ban hành từ lâu, điều kiện kinh tế – xã hội có nhiều thay đổi, dẫn đến một số quy định không còn phù hợp. Chẳng hạn như Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đấu giá tài sản…
Một số bất cập khác đã có hướng xử lý khá cụ thể và không phát sinh yêu cầu cấp bách cần phải sửa ngay như văn bản dưới luật chưa phù hợp với quy định của luật; quy định làm phát sinh “giấy phép con”; quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn đã lạc hậu, không còn phù hợp…
Ngoài ra, một số quy định ban đầu được phản ánh là bất cập, vướng mắc nhưng khi đi sâu phân tích thì thấy chưa thực sự chính xác. Bởi nguyên nhân là do khâu tổ chức thực hiện chưa tốt hoặc do chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành; một số nội dung thuộc vấn đề quan điểm, chính sách pháp luật đã được QH, Chính phủ thảo luận và quyết định khi ban hành văn bản.
Có trường hợp quy định đã rõ nhưng do cán bộ thực thi pháp luật chưa cập nhật nội dung của luật đã được sửa đổi, bổ sung tại văn bản quy phạm pháp luật khác nên cho là vướng mắc, bất cập…; có những nội dung đề nghị làm rõ, giải thích rõ nhưng đã được sử dụng, thực hiện nhiều năm, trong nhiều lĩnh vực…
Dùng một luật sửa nhiều luật chỉ nên trong trường hợp cấp bách
. . Ông vừa nhắc tới hướng xử lý các văn bản có nội dung bất cập, liệu có cần thiết phải dùng một luật để sửa nhiều luật?
+ Như tôi đã đề cập ở trên, một trong những điểm đáng ghi nhận của đợt rà soát này là bên cạnh việc phát hiện những điểm bất cập thì mỗi nội dung được phát hiện đều có hướng xử lý khá cụ thể, cả về tiến độ và cách thức thực hiện.
Chẳng hạn, đối với nội dung trong Luật Đất đai, Luật Đăng ký bất động sản trình QH thông qua tại kỳ họp này, cơ quan của QH phụ trách dự án sẽ phối hợp với các cơ quan có liên quan nghiên cứu, có phương án xử lý ngay trong dự thảo luật.
Hay đối với nội dung trong Nghị quyết 42/2017 của QH về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng thì dự kiến sẽ được sửa đổi, bổ sung trong Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) đang trình QH.
Với các nội dung trong Luật Đấu giá tài sản, đây là dự án trình QH cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 6 nên các nội dung có vướng mắc sẽ được xử lý trong quá trình tiếp thu ý kiến đại biểu.
Còn với các nội dung trong các dự án luật trình QH cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 7 và các luật đã có trong Kế hoạch 81 của Ủy ban Thường vụ QH, Chính phủ sẽ chỉ đạo các bộ chủ trì nghiên cứu để xử lý phù hợp khi xây dựng các dự án luật, báo cáo Chính phủ xem xét trước khi trình QH…
Tổng hợp chung thì có đến 70% những nội dung vướng mắc, bất cập trong luật, pháp lệnh, nghị quyết là thuộc các dự án đã có trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hoặc đang được xem xét đưa vào chương trình để sửa đổi, bổ sung. Riêng với nội dung thuộc các văn bản dưới luật, Chính phủ, Thủ tướng sẽ chỉ đạo các Bộ, cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung ngay theo thẩm quyền.
Do đó, việc có áp dụng hình thức một luật sửa nhiều luật hay không sẽ do Chính phủ xem xét, đề xuất nhưng phải bảo đảm chặt chẽ, trong cùng một lĩnh vực và chỉ đối với trường hợp thực sự cần thiết, cấp bách để bảo đảm tính ổn định, thống nhất trong hệ thống pháp luật. Còn ngay trong đợt rà soát này, Chính phủ, các cơ quan của QH thống nhất chưa kiến nghị QH dùng một luật sửa nhiều luật.
Cán bộ chuyên môn không tốt, nắm pháp luật không vững dễ sai phạm
. Trở lại vấn đề đang ghi nhận nhiều ý kiến hiện nay là có một bộ phận cán bộ né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, nguyên nhân được cho là do vướng mắc của pháp luật. Vậy kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật lần này có làm rõ vấn đề này không?
+ Theo tôi những vướng mắc, bất cập trong quy định của pháp luật đúng là có thể góp phần gây nên sự băn khoăn, lúng túng nhất định làm cho cá nhân, đơn vị phải tham khảo, xin ý kiến dẫn đến chậm triển khai nhiệm vụ, công vụ. Những khoảng trống pháp luật do chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành phần nào làm chậm quá trình đưa luật đi vào cuộc sống, có thể dẫn đến tâm lý chờ đợi, chậm giải quyết công việc thuộc chức trách, nhiệm vụ của cán bộ.
Đó là chưa kể một số quy định chồng chéo, mâu thuẫn còn có thể dẫn đến rủi ro tiềm ẩn, nhất là trong trường hợp cán bộ chuyên môn không tốt, nắm pháp luật không vững dễ dẫn đến sai sót trong áp dụng pháp luật.
Tuy nhiên, kết quả rà soát đã cho thấy, nếu quy cho những bất cập của thể chế là nguyên nhân chính, trực tiếp dẫn đến hành vi né tránh, đùn đẩy, làm việc cầm chừng là không đúng. Điều này càng thể hiện rõ hơn khi cùng một quy định của pháp luật, có nơi thực hiện tốt, hiệu quả nhưng có nơi chậm trễ, có sai phạm.
Mặt khác, thực tế công tác tổ chức thi hành pháp luật thời gian qua cho thấy, mặc dù có một hệ thống pháp luật cơ bản tốt nhưng nguồn lực, công cụ và biện pháp thực thi chưa tốt, ý thức pháp luật của một bộ phận cán bộ và người dân chưa cao. Điều này phần nào đã ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu lực, hiệu quả điều chỉnh của pháp luật.
Cạnh đó, do đất nước đang trong quá trình chuyển đổi, cơ chế tập trung, quan liêu, bao cấp phần nào vẫn còn ảnh hưởng đến tư duy, lề lối làm việc của một số cán bộ và cơ quan, đơn vị. Rõ nhất là thói quen lệ thuộc, trông chờ ỷ lại của cấp dưới đối với cấp trên, của địa phương đối với trung ương, thiếu sự chủ động, sáng tạo trong tham mưu tổ chức thực hiện công việc của cơ quan, đơn vị cũng như trong thực thi công vụ.
Tôi cho rằng đây là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến biểu hiện né tránh, đùn đẩy, làm việc cầm chừng, sợ trách nhiệm không dám làm của một bộ phận cán bộ.
Do đó, việc QH yêu cầu tổ chức rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật là việc làm kịp thời và có ý nghĩa quan trọng. Bởi thông qua kết quả rà soát, chúng ta sẽ thấy rõ hơn những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân để từ đó có giải pháp khắc phục, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khơi thông nguồn lực cho phát triển. Đồng thời tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật.
Việc nhận diện đầy đủ, khách quan các khiếm khuyết, bất cập của hệ thống pháp luật và kịp thời khắc phục cũng là một trong những giải pháp quan trọng nhằm chấn chỉnh, khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, sợ trách nhiệm, làm việc cầm chừng, không dám làm nhưng tìm cách “đổ” cho luật pháp có vướng mắc trong một bộ phận cán bộ, công chức hiện nay.
. Xin cảm ơn ông.
Cần thường xuyên rà soát quy định pháp luật
. Phóng viên: Liên quan đến quy định của pháp luật chưa theo kịp thực tiễn, tại diễn đàn QH, Viện trưởng Viện KSNDTC Lê Minh Trí đã từng chỉ ra quy định cán bộ thực thi chức trách gây thiệt hại chỉ 100 triệu đồng nhưng đã bị xử lý hình sự là không còn phù hợp. Vậy quy định này có được xem xét trong lần rà soát này không và hướng xử lý cụ thể là ra sao, thưa ông?
+ ĐBQH Đỗ Đức Hiển: Lần rà soát này tập trung vào các văn bản quy phạm pháp luật thuộc 22 lĩnh vực trọng tâm, trong đó đáng chú ý là pháp luật về đấu thầu, đấu giá, quy hoạch, đầu tư công, quản lý, sử dụng đất đai, tài sản công, ngân sách nhà nước, tài chính công…
Ngoài ra còn có các lĩnh vực khác được các đoàn kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án kiến nghị, đề xuất hoặc có nhiều vướng mắc được các địa phương, người dân, doanh nghiệp kiến nghị.
Trong quá trình tổng hợp kết quả rà soát, đúng là trong đề xuất của Viện KSNDTC có đề cập đến một số quy định về tội phạm kinh tế, chức vụ của BLHS cần được nghiên cứu, xem xét thêm để bảo đảm phù hợp hơn với thực tiễn. Chẳng hạn như về loại hình phạt áp dụng, mức xác định hậu quả thiệt hại theo tình tiết định khung… Các nội dung này cũng đã được tổng hợp, chuyển các cơ quan của Chính phủ để nghiên cứu.
Tuy nhiên, do khối lượng công việc rà soát rất lớn, thời gian thực hiện rất khẩn trương nên trong báo cáo của Chính phủ cũng đã xác định “kết quả rà soát mới chỉ là bước đầu, cần tiếp tục được các cơ quan có liên quan tổng hợp, nghiên cứu, hoàn thiện…”; “một số đề xuất, kiến nghị do chưa đủ thời gian, điều kiện thực hiện các bước thảo luận đánh giá theo quy trình chung cần tiếp tục phân loại, nghiên cứu, thống nhất phương án xử lý trong thời gian tới”.
Tôi cho rằng công tác rà soát pháp luật là hoạt động quan trọng, kết quả rà soát được sử dụng làm thông tin, dữ liệu đầu vào phục vụ việc nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật nên cần được thực hiện thường xuyên trong thời gian tới.
Chính vì vậy, tôi tán thành với việc kiến nghị QH xem xét, thông qua nội dung đánh giá kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong Nghị quyết kỳ họp thứ 6. Trong đó, giao Chính phủ chỉ đạo khẩn trương rà soát, cho ý kiến đối với các nội dung do các Ủy ban của QH, các cơ quan có liên quan đề xuất; thực hiện các giải pháp xử lý kết quả sau rà soát. Khắc phục ngay các nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, vướng mắc, bất cập đã được chỉ ra trong các văn bản dưới luật theo thẩm quyền và nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các luật, pháp lệnh.
Đồng thời, cũng giao Chính phủ chỉ đạo các Bộ, cơ quan ngang Bộ, chính quyền địa phương tăng cường công tác kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền. Đẩy mạnh công tác tập huấn, phổ biến giáo dục pháp luật và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác xây dựng pháp luật, xây dựng phần mềm về rà soát pháp luật…
Nguồn: https://plo.vn/dbqh-do-duc-hien-nhan-dien-bat-cap-phap-luat-chan-chinh-can-bo-so-trach-nhiem-post759224.html