Có được ký hợp đồng giao việc cho công ty con?

Khoản 1 và Khoản 2, Điều 196 Luật Doanh nghiệp số 59/2020/QH14 quy định:

“1. Tùy thuộc vào loại hình pháp lý của công ty con, công ty mẹ thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình với tư cách là thành viên, chủ sở hữu hoặc cổ đông trong quan hệ với công ty con theo quy định tương ứng của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Hợp đồng, giao dịch và quan hệ khác giữa công ty mẹ và công ty con đều phải được thiết lập và thực hiện độc lập, bình đẳng theo điều kiện áp dụng đối với chủ thể pháp lý độc lập”.

Khoản 8, Điều 3 Nghị định số 24/2024/NĐ-CP quy định:

“Công ty mẹ, công ty con, công ty thành viên trong tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước được tham dự gói thầu của nhau nếu sản phẩm, dịch vụ thuộc gói thầu đó thuộc ngành nghề sản xuất kinh doanh chính của tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước. Nhà thầu tham dự thầu vẫn phải độc lập về pháp lý và độc lập về tài chính với các nhà thầu quy định tại các điểm a, b, c khoản 1 và khoản 2 Điều 6 của Luật Đấu thầu”.

Đối với lĩnh vực xây dựng, Khoản 3, Điều 24 Nghị định số 37/2015/NĐ-CP ngày 22/4/2015 của Chính phủ quy định chi tiết về hợp đồng xây dựng (được sửa đổi, bổ sung một số điều tại Nghị định số 50/2021/NĐ-CP ngày 1/4/2021) quy định: “Trường hợp bên nhận thầu là tập đoàn, tổng công ty khi thực hiện hợp đồng xây dựng có thể giao trực tiếp cho các đơn vị thành viên của mình nhưng phải đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch, phù hợp với năng lực của từng thành viên và phải được bên giao thầu chấp thuận trước”.

Theo hướng dẫn tại Mục 2.1, Chương III, Mẫu hồ sơ mời thầu xây lắp qua mạng một giai đoạn một túi hồ sơ ban hành kèm theo Thông tư số 06/2024/TT-BKHĐT ngày 26/4/2024 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, “Trường hợp nhà thầu tham dự thầu là công ty mẹ (ví dụ như Tổng công ty) có huy động công ty con, công ty thành viên thực hiện một phần công việc của gói thầu thì nhà thầu phải kê khai cụ thể phần công việc dành cho các công ty con, công ty thành viên theo Mẫu số 09C Chương IV. Việc đánh giá kinh nghiệm thực hiện hợp đồng tương tự căn cứ vào giá trị, khối lượng công việc do công ty mẹ, công ty con, công ty thành viên đảm nhiệm trong gói thầu.”.

Đối với các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, bao gồm cả nhóm công ty mẹ – công ty con với công ty mẹ là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, mối quan hệ giữa công ty mẹ và các công ty con trong hoạt động đấu thầu có thể được quy định cụ thể tại Điều lệ công ty mẹ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành.

Ví dụ, theo quy định tại Điểm i, Khoản 4, Điều 10 Điều lệ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (Nghị định số 26/2018/NĐ-CP ngày 28/02/2018); Điểm i, Khoản 3, Điều 66 Điều lệ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Nghị định số 07/2018/NĐ-CP ngày 10/1/2018); Điểm i, Khoản 4, Điều 60 Điều lệ Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (Nghị định số 25/2016/NĐ-CP ngày 6/4/2016), công ty mẹ có nhiệm vụ “làm đầu mối tập hợp các nguồn lực của các doanh nghiệp thành viên, doanh nghiệp liên kết để thực hiện đấu thầu và triển khai thực hiện các dự án chung do các công ty con, công ty liên kết cùng thỏa thuận và thực hiện”.

Căn cứ các quy định nêu trên và tùy theo từng trường hợp đặc thù của tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước, nhóm công ty mẹ – công ty con, công ty mẹ có thể ký hợp đồng với công ty con để thực hiện gói thầu đã nhận được phù hợp với quy định của pháp luật về đấu thầu, về hợp đồng kinh tế và pháp luật có liên quan.