Cách sửa số lô, số thửa bị ghi sai trong sổ đỏ
Năm 1993, gia đình tôi được huyện cấp sổ đỏ. Khi đổi sang sổ hồng, tôi mới biết là cơ quan cấp trên cấp sổ nhưng sai số lô, số thửa.
Xin hỏi để đổi được sổ theo đúng vị trí diện tích cần làm theo thủ tục gì? Lệ phí là bao nhiêu, xin luật sư tư vấn cụ thể các bước thực hiện.
Độc giả Hoàng Đức
Luật sư tư vấn
Pháp luật đất đai và nhà ở qua các thời kỳ không quy định thuật ngữ “sổ hồng”. Tương tự đối với “sổ đỏ”, “sổ hồng” là cách người dân thường gọi dùng để chỉ Giấy chứng nhận về nhà đất dựa theo màu sắc.
– Trước ngày 10/12/2009, ở Việt Nam tồn tại loại Giấy chứng nhận mà bìa có màu hồng dùng để chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở (thường gọi là sổ hồng theo mẫu của Bộ Xây dựng) và Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (bìa màu đỏ – thường gọi là sổ đỏ theo mẫu của Bộ Tài nguyên và Môi trường).
– Từ ngày 10/12/2009, khi Nghị định 88/2009/NĐ-CP có hiệu lực, người sử dụng đất, chủ sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất được cấp Giấy chứng nhận theo một mẫu thống nhất với tên gọi là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Mặc dù vậy, các loại Giấy chứng nhận về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở được cấp trước đó vẫn có giá trị pháp lý và không bắt buộc cấp đổi sang mẫu Giấy chứng nhận mới.
Năm 1993, bạn được huyện cấp sổ đỏ nhưng thông tin ghi trên sổ đỏ sai số lô, số thửa thì bạn phải thực hiện thủ tục đính chính thông tin trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất.
Thủ tục như sau:
Bước 1: Người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất nộp hồ sơ cho Văn phòng đăng ký đất đai để đính chính.
Thành phần Hồ sơ gồm:
+ Đơn đề nghị đính chính đối với trường hợp người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản phát hiện sai sót trên Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng đã cấp;
+ Bản gốc Giấy chứng nhận (sổ đỏ) đã cấp.
Bước 2: Sau khi tiếp nhận hồ sơ, Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm:
+ Kiểm tra hồ sơ;
+ Lập biên bản kết luận về nội dung và nguyên nhân sai sót;
+ Lập hồ sơ trình cơ quan có thẩm quyền thực hiện đính chính vào sổ đỏ đã cấp có sai sót;
+ Chỉnh lý nội dung sai sót vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai.
Bước 3: Nhận kết quả
Người sử dụng đất nhận kết quả là Giấy chứng nhận đã được sửa đổi thông tin sai sót (thông tin sửa đổi được ghi ở phần “IV. Những thay đổi sau khi cấp Giấy chứng nhận” trên sổ đỏ/Giấy chứng nhận hoặc cấp đổi giấy chứng nhận khi có yêu cầu theo quy định pháp luật).
Lệ phí đính chính sổ đỏ
Căn cứ Thông tư 85/2019/TT-BTC, khoản chi phí thực hiện đính chính thông tin sai sót trên sổ đỏ là khoản lệ phí được quy định bởi HĐND cấp tỉnh nơi có đất.
Khi thực hiện đính chính Giấy chứng nhận, người sử dụng đất phát sinh lệ phí cụ thể là: lệ phí đăng ký biến động hoặc lệ phí cấp đổi Giấy chứng nhận.
Chi phí đính chính thông tin sai sót trên sổ đỏ là mức lệ phí được quyết định thu theo Nghị quyết của HĐND cấp tỉnh nơi có đất. Dựa trên thông tin chúng tôi đã hướng dẫn, giải đáp ở trên, bạn có thể tự mình kiểm tra, đối chiếu với địa phương mình để có được mức phí cho trường hợp của mình.
Luật sư Phạm Thanh Bình
Công ty Luật Bảo Ngọc, Hà Nội