Điều kiện thành lập trường đại học công lập ở Việt Nam

1. Trường đại học công lập là trường gì?

Theo điểm a khoản 1 Điều 7 Luật Giáo dục đại học 2012 (sửa đổi 2018, trường đại học công lập là loại hình cơ sở giáo dục đại học công lập do Nhà nước đầu tư, bảo đảm điều kiện hoạt động và là đại diện chủ sở hữu.

Cụ thể, cơ sở giáo dục đại học là cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, thực hiện chức năng đào tạo các trình độ của giáo dục đại học, hoạt động khoa học và công nghệ, phục vụ cộng đồng.

(Khoản 1 Điều 4 Luật Giáo dục đại học 2012 (sửa đổi 2018))

2. Điều kiện thành lập trường đại học công lập ở Việt Nam

Cụ thể tại Điều 87 Nghị định 46/2017/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 135/2018/NĐ-CP) quy định về điều kiện thành lập trường đại học công lập ở Việt Nam như sau:

– Có đề án thành lập trường đại học phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội và quy hoạch mạng lưới các trường đại học được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Nội dung đề án thành lập trường cần nêu rõ:

+ Tên gọi;

+ Ngành, nghề, quy mô đào tạo;

+ Mục tiêu, nội dung, chương trình;

+ Nguồn lực tài chính;

+ Đất đai;

+ Cơ sở vật chất;

+ Giảng viên và cán bộ quản lý;

+ Chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu bộ máy tổ chức, quản lý;

+ Kế hoạch xây dựng và phát triển trường trong từng giai đoạn;

+ Thời hạn và tiến độ thực hiện dự án đầu tư;

+ Hiệu quả kinh tế – xã hội.

Đối với trường đại học công lập, khi thành lập phải cam kết hoạt động theo cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập do Chính phủ quy định.

– Có văn bản chấp thuận về việc thành lập trường trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi trường đặt trụ sở chính (trừ trường hợp trường trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh).

– Có diện tích đất xây dựng trường tại trụ sở chính tối thiểu là 05 ha và đạt bình quân tối thiểu là 25 m2/sinh viên tại thời điểm trường có quy mô đào tạo ổn định sau 10 năm phát triển

– Đối với trường công lập phải có dự án đầu tư xây dựng trường được cơ quan chủ quản phê duyệt, xác định rõ nguồn vốn để thực hiện theo kế hoạch; vốn đầu tư được xác định bằng tiền mặt và tài sản đã chuẩn bị để đầu tư và được cơ quan có thẩm quyền xác nhận bằng văn bản.

– Có dự kiến cụ thể về số lượng, cơ cấu đội ngũ cán bộ quản lý và giảng viên cơ hữu, đáp ứng tiêu chuẩn về chất lượng, trình độ đào tạo theo quy định hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo, phù hợp với lộ trình để mở mã ngành 

3. Hồ sơ đề nghị phê duyệt chủ trương thành lập trường đại học công lập

Hồ sơ đề nghị phê duyệt chủ trương thành lập hoặc chủ trương cho phép thành lập trường đại học công lập ở Việt Nam bao gồm:

– Tờ trình đề nghị phê duyệt chủ trương thành lập của cơ quan chủ quản đối với trường đại học công lập hoặc đề nghị phê duyệt chủ trương cho phép thành lập của tổ chức hoặc cá nhân đối với trường đại học tư thục;

– Văn bản của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chấp thuận về việc thành lập trường tại địa phương.

Văn bản chấp thuận cần nêu rõ về sự cần thiết, sự phù hợp của việc thành lập trường với quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội của địa phương; chủ trương cấp đất hoặc cho thuê đất xây dựng trường, địa điểm khu đất và khả năng phối hợp, tạo điều kiện của địa phương đối với việc xây dựng và phát triển nhà trường; văn bản pháp lý về quyền sử dụng đất (nếu có);

– Đề án thành lập trường đại học.

(Điểm a, b, c khoản 3 Điều 88 Nghị định 46/2017/NĐ-CP)

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
Chuyên viên pháp lý Trần Thanh Rin
Nguồn: https://thuvienphapluat.vn/chinh-sach-phap-luat-moi/vn/thoi-su-phap-luat/tu-van-phap-luat/47420/dieu-kien-thanh-lap-truong-dai-hoc-cong-lap-o-viet-nam