Các dự án đầu tư chỉ cần lập báo cáo kinh tế – kỹ thuật đầu tư xây dựng

1. Báo cáo kinh tế – kỹ thuật đầu tư xây dựng là gì?
Theo khoản 3 Điều 3 Luật Xây dựng 2014 thì báo cáo kinh tế – kỹ thuật đầu tư xây dựng là tài liệu trình bày các nội dung về sự cần thiết, mức độ khả thi và hiệu quả của việc đầu tư xây dựng theo phương án thiết kế bản vẽ thi công xây dựng công trình quy mô nhỏ, làm cơ sở xem xét, quyết định đầu tư xây dựng.

2. Các dự án đầu tư chỉ cần lập báo cáo kinh tế – kỹ thuật đầu tư xây dựng
Các dự án đầu tư chỉ cần lập báo cáo kinh tế – kỹ thuật đầu tư xây dựng theo khoản 3 Điều 52 Luật Xây dựng 2014 (sửa đổi 2020) gồm:

– Công trình xây dựng sử dụng cho mục đích tôn giáo;

– Công trình xây dựng quy mô nhỏ và công trình khác do Chính phủ quy định.

3. Nội dung báo cáo kinh tế – kỹ thuật đầu tư xây dựng

Nội dung báo cáo kinh tế – kỹ thuật đầu tư xây dựng theo Điều 55 Luật Xây dựng 2014 như sau:

– Thiết kế bản vẽ thi công, thiết kế công nghệ (nếu có) và dự toán xây dựng.

– Các nội dung khác của Báo cáo kinh tế – kỹ thuật đầu tư xây dựng gồm:

Thuyết minh về sự cần thiết đầu tư, mục tiêu xây dựng, địa điểm xây dựng, diện tích sử dụng đất, quy mô, công suất, cấp công trình, giải pháp thi công xây dựng, an toàn xây dựng, phương án giải phóng mặt bằng xây dựng và bảo vệ môi trường, bố trí kinh phí thực hiện, thời gian xây dựng, hiệu quả đầu tư xây dựng công trình.

4. Thẩm định báo cáo kinh tế – kỹ thuật đầu tư xây dựng

Thẩm định báo cáo kinh tế – kỹ thuật đầu tư xây dựng của người quyết định đầu tư theo Điều 57 Luật Xây dựng 2014 (sửa đổi 2020) như sau:

– Đối với dự án đầu tư xây dựng quy định tại điểm a và điểm c khoản 1 Điều 58 Luật Xây dựng 2014 (sửa đổi 2020), người quyết định đầu tư thẩm định các nội dung sau:

+ Sự phù hợp về quy hoạch, mục tiêu, quy mô đầu tư và các yêu cầu khác được xác định trong quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng;

+ Sự phù hợp của giải pháp thiết kế cơ sở với nhiệm vụ thiết kế; danh mục tiêu chuẩn áp dụng;

+ Giải pháp tổ chức thực hiện dự án, kinh nghiệm và năng lực quản lý dự án của chủ đầu tư, phương án giải phóng mặt bằng, hình thức thực hiện dự án;

+ Yếu tố bảo đảm tính hiệu quả của dự án bao gồm xác định tổng mức đầu tư xây dựng; nguồn vốn, khả năng huy động vốn theo tiến độ; phân tích rủi ro, hiệu quả tài chính, hiệu quả kinh tế – xã hội;

+ Sự phù hợp của phương án công nghệ (nếu có);

+ Các nội dung khác theo quy định của pháp luật có liên quan và yêu cầu của người quyết định đầu tư.

– Đối với dự án sử dụng vốn nhà nước ngoài đầu tư công không thuộc đối tượng quy định tại điểm c khoản 1 Điều 58 Luật Xây dựng 2014 (sửa đổi 2020), người quyết định đầu tư thẩm định các nội dung quy định tại khoản 1 Điều 57 Luật Xây dựng 2014 (sửa đổi 2020) và khoản 2 Điều 58 Luật Xây dựng 2014 (sửa đổi 2020).

– Đối với dự án sử dụng vốn đầu tư công, dự án sử dụng vốn nhà nước ngoài đầu tư công chỉ cần lập Báo cáo kinh tế – kỹ thuật, người quyết định đầu tư thẩm định các nội dung sau:

+ Sự phù hợp về quy hoạch, mục tiêu, quy mô đầu tư và các yêu cầu khác được xác định trong quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng;

+ Sự đáp ứng yêu cầu của thiết kế bản vẽ thi công về bảo đảm an toàn công trình và biện pháp bảo đảm an toàn công trình lân cận;

+ Việc lập tổng mức đầu tư xây dựng, xác định giá trị tổng mức đầu tư xây dựng;

+ Giải pháp tổ chức thực hiện dự án, phương án giải phóng mặt bằng, hình thức thực hiện dự án;

+ Sự phù hợp của phương án công nghệ (nếu có);

+ Các nội dung khác theo quy định của pháp luật có liên quan và yêu cầu của người quyết định đầu tư.

– Đối với dự án sử dụng vốn khác, người quyết định đầu tư quyết định nội dung thẩm định bảo đảm đáp ứng yêu cầu về đầu tư, kinh doanh và quy định của pháp luật có liên quan.

– Trường hợp dự án đầu tư xây dựng sử dụng công nghệ hạn chế chuyển giao hoặc dự án đầu tư xây dựng có nguy cơ tác động xấu đến môi trường có sử dụng công nghệ theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ thì phải được cơ quan thực hiện chức năng quản lý ngành, lĩnh vực thẩm định hoặc có ý kiến về công nghệ theo quy định của Chính phủ.

Nội dung và thời gian thẩm định hoặc có ý kiến về công nghệ được thực hiện theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ. Kết quả thẩm định hoặc ý kiến của cơ quan thực hiện chức năng quản lý ngành, lĩnh vực được gửi cơ quan chủ trì thẩm định của người quyết định đầu tư để tổng hợp.

 

Nguồn: https://thuvienphapluat.vn/chinh-sach-phap-luat-moi/vn/thoi-su-phap-luat/tu-van-phap-luat/47015/cac-du-an-dau-tu-chi-can-lap-bao-cao-kinh-te-ky-thuat-dau-tu-xay-dung