Tuổi nghỉ hưu của lao động năm 2024 sẽ tăng lên bao nhiêu?

Theo lộ trình, năm 2024, tuổi nghỉ hưu của lao động nam sẽ là tròn 61 tuổi, còn tuổi nghỉ hưu của lao động nữ sẽ là 56 tuổi 4 tháng.

Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam cho biết, thay vì về hưu ở tuổi 55 đối với nữ và 60 đối với nam như trước đây, theo điều 169 bộ luật Lao động 2019, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.

Từ năm 2021, khi bộ luật Lao động 2019 có hiệu lực, theo lộ trình, mỗi năm, tuổi nghỉ hưu của lao động nam sẽ tăng lên 3 tháng và tăng 4 tháng đối với lao động nữ.

Theo đó, năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ.

Theo lộ trình, năm 2024, tuổi nghỉ hưu của lao động nam sẽ là tròn 61 tuổi, còn tuổi nghỉ hưu của lao động nữ sẽ là 56 tuổi 4 tháng. Người lao động bảo đảm điều kiện về thời gian đóng BHXH theo quy định của pháp luật về BHXH được hưởng lương hưu khi đủ tuổi nghỉ hưu.

Người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 5 tuổi so với quy định tại quy định nêu trên tại thời điểm nghỉ hưu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Người lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao và một số trường hợp đặc biệt có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá 5 tuổi so với quy định tại quy định nêu trên tại thời điểm nghỉ hưu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Trong năm 2023, Bộ LĐ-TB-XH đã nhận được kiến nghị của cử tri nhiều địa phương kiến nghị xem xét giảm tuổi nghỉ hưu xuống 55 đối với nữ và 60 đối với nam cho các công nhân lao động trực tiếp tại các khu công nghiệp, làm các công việc nặng nhọc, độc hại…

Nhằm hạn chế việc rút BHXH 1 lần, người lao động có cơ hội nhận lương hưu để trang trải cuộc sống khi về già, cử tri một số địa phương này còn đề xuất cho phép một số ngành nghề đặc thù nghỉ hưu sớm như giáo viên mầm non, người làm công việc quản lý, bảo vệ rừng…

Bên cạnh đó, việc tăng tuổi nghỉ hưu cũng đã xem xét đến các yếu tố về tính chất, loại hình lao động và sức khỏe của người lao động. Đối với những người lao động làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được nghỉ hưu sớm hơn tối đa 5 tuổi hoặc 10 tuổi tùy từng trường hợp.

Bộ LĐ-TB-XH cho hay, trong thời gian tới sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, rà soát để sửa đổi, bổ sung danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

Từ đó nhằm đảm bảo thực hiện tốt các chế độ, chính sách cho người lao động, trong đó có việc làm cơ sở xét điều kiện về tuổi hưởng lương hưu của người lao động.