Niềm tin của nhân dân là sức mạnh cho cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Con đường phía trước của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với quyết tâm chính trị của toàn Đảng, sự quan tâm, đồng lòng, sự quyết tâm trong nhận thức và hành động của toàn dân, sẽ vượt qua bằng sức mạnh nội sinh, cội nguồn là sức mạnh niềm tin của dân đối với Đảng.

Cuốn sách Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được xuất bản và ra mắt vào đúng dịp kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và 10 năm thành lập Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực do đồng chí Tổng Bí thư làm Trưởng ban. Cuốn sách có ý nghĩa, tầm quan trọng đặc biệt cả về lý luận và thực tiễn, thể hiện tư tưởng xuyên suốt, nhất quán, kiên định; là sự phát triển sáng tạo, góp phần hoàn thiện tư duy lý luận của Đảng về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Những chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư thể hiện trong cuốn sách được đúc rút từ kinh nghiệm thực tiễn phong phú, sinh động, thể hiện sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, toàn diện và đầy sức thuyết phục của người đứng đầu Đảng ta. Cuốn sách được xem là “cẩm nang” đối với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta. Trên cơ sở tổng kết thực tiễn phong phú và rút ra những vấn đề có tính lý luận về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam, cuốn sách đã khẳng định đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là “một việc làm cần thiết, tất yếu, một xu thế không thể đảo ngược”; Mục tiêu “là nhằm làm trong sạch Đảng và bộ máy nhà nước, để phát triển đất nước”.

Niềm tin của nhân dân là sức mạnh cho cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Đảng và Nhà nước tỏ rõ quyết tâm không khoan nhượng với tham nhũng, tiêu cực qua những phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Một trong những điểm mới, sáng tạo của cuốn sách là dành một phần tập hợp ý kiến của các tầng lớp nhân dân, bạn bè quốc tế, bởi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhận thức sâu sắc: “Sức mạnh và động lực to lớn của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là sự đồng tình, ủng hộ, hưởng ứng, tham gia tích cực của nhân dân (…). Nếu không dựa vào dân thì cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực khó có thể thành công. Dựa vào dân, lắng nghe dân, lắng nghe dư luận để chọn lọc tiếp thu cái đúng…” (*) .

Con đường phía trước của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với quyết tâm chính trị của toàn Đảng, sự quan tâm, đồng lòng, sự quyết tâm trong nhận thức và hành động của toàn dân, sẽ vượt qua bằng sức mạnh nội sinh, cội nguồn là sức mạnh niềm tin của dân đối với Đảng.

Từ nhận thức trên của Tổng Bí thư cho chúng ta thấy “quyết tâm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực không chỉ là nhiệm vụ, trách nhiệm của các cơ quan chuyên trách, mà trở thành mối quan tâm chung của các tầng lớp nhân dân, cán bộ, đảng viên và cả bạn bè quốc tế”. Quan điểm này đã khẳng định vị trí, vai trò của quần chúng nhân dân trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, đồng thời, củng cố thêm niềm tin của các tầng lớp nhân dân với Đảng, với người đứng đầu Đảng.

Căn cứ của niềm tin đó chính là: trong quá trình chỉ đạo, sự quyết liệt, nói đi đôi với làm của Tổng Bí thư đã trở thành kim chỉ nam diệu kỳ thúc đẩy cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng lan tỏa mạnh mẽ từ T.Ư đến địa phương, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai, cả đương chức và nghỉ hưu, cả cán bộ cao cấp, cả trong những lĩnh vực công tác mà lâu nay được cho là “nhạy cảm”, cả trong các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng…

Niềm tin của nhân dân là sức mạnh cho cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Đại biểu tham dự Diễn đàn Tuổi trẻ Khối các cơ quan T.Ư kiên quyết phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngày 13.3 đọc và tìm hiểu về cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Trong cuộc đấu tranh không có tiếng súng, nhưng đầy cam go, thách thức, có những giai đoạn tưởng chừng như bị chùng xuống, khiến người dân hoài nghi sự “nguội lạnh”, nhưng Tổng Bí thư đã kịp thời thắp lên ngọn lửa niềm tin bằng tất cả dũng khí và mưu lược của mình, với những câu nói đầy chất “thép”: “Cử tri và nhân dân cứ yên tâm, T.Ư không bao giờ nhụt chí trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng”, “nếu ai cảm thấy cản trở, nhụt chí thì dẹp sang một bên cho người khác làm”, “Kiên quyết đấu tranh loại bỏ những người tham nhũng, hư hỏng; chống mọi biểu hiện chạy chức, chạy quyền; ưu ái tuyển dụng người thân, không đủ tiêu chuẩn”… Đó không chỉ là mệnh lệnh của người đứng đầu của Đảng và Nhà nước mà đồng thời là thông điệp, là lời tuyên chiến đanh thép của Đảng và Nhà nước, tỏ rõ sự không lùi bước, không khoan nhượng với nạn tham ô, tham nhũng, với những quan chức tha hóa. Trên cơ sở đó, thực tiễn kết quả công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí thời gian qua đã tạo sự cảnh tỉnh, răn đe rất lớn, tạo hiệu ứng xã hội vì đáp ứng được mong mỏi của nhân dân, thuận với ý nguyện của nhân dân và đó cũng là điều tất yếu để thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của xã hội. Đồng thời, thực tiễn công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã tạo ra tâm lý quan tâm, ủng hộ và tham gia của cán bộ, nhân dân ở những vị trí, mức độ khác nhau, đã tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, hưởng ứng, đánh giá cao, cộng đồng quốc tế ghi nhận.

Chặng đường 10 năm chưa phải là dài, có lẽ chỉ mới là mở đầu của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng đòi hỏi phải kiên quyết, kiên trì, không nghỉ, không ngừng; nhưng giá trị to lớn của 10 năm đầu là biến quyết tâm thành hoạt động thực tế, củng cố niềm tin của dân đối với Đảng. Nhân dân khẳng định “Tổng Bí thư đã bắt nhịp và quy tụ được ý chí của toàn dân”; “Hiện nay, trong cuộc chống tham nhũng của Đảng, những trái tim yêu nước luôn đập theo dòng chảy của thời cuộc”.

Con đường phía trước của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với quyết tâm chính trị của toàn Đảng, sự quan tâm, đồng lòng, sự quyết tâm trong nhận thức và hành động của toàn dân, sẽ vượt qua bằng sức mạnh nội sinh, cội nguồn là sức mạnh niềm tin của dân đối với Đảng. Khi người dân đã có niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, thì tự nó có giá trị như một loại “vắc xin” để phòng, chống “giặc nội xâm”.

(*) Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh

NXB Chính trị quốc gia Sự thật, HN.2023, tr.21