Lao động chưa hưởng lương hưu có thể không được nhận trợ cấp thất nghiệp
Lao động đủ điều kiện hưu trí mà chưa hưởng lương hưu không được nhận trợ cấp thất nghiệp khi chấm dứt hợp đồng, theo đề xuất của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội.
Luật Việc làm hiện hành quy định hai trường hợp không được hưởng trợ cấp thất nghiệp, gồm người đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật và người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức hàng tháng. Lao động đủ điều kiện có thể chọn thôi việc lấy tiền trợ cấp thất nghiệp trước khi nhận lương hưu hàng tháng. Thời gian hưởng tối đa không quá 12 tháng, tương đương 144 tháng (12 năm) đóng bảo hiểm thất nghiệp.
Lao động làm hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại TP HCM, tháng 7/2023. Ảnh: Thanh Tùng
Tại dự thảo Luật Việc làm sửa đổi, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội bổ sung một số trường hợp không được nhận trợ cấp, gồm:
+ Người đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái luật;
+ Người bị sa thải hoặc bị kỷ luật buộc thôi việc;
+ Người hưởng lương hưu;
+ Lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu nhưng chưa hưởng lương hưu khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.
Cơ quan soạn thảo lý giải việc “sửa đổi, bổ sung các điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp nhằm hạn chế gian lận, trục lợi”.
Điều kiện về thời gian tìm được việc làm kể từ khi nộp hồ sơ hưởng trợ cấp cũng được đề xuất rút ngắn còn 10 ngày thay vì 15 ngày như hiện hành. Theo đó, lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi chưa tìm được việc làm sau 10 ngày kể từ lúc nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp.
Chính sách bảo hiểm thất nghiệp thực hiện từ năm 2009, gồm các chế độ trợ cấp thất nghiệp, tư vấn giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề và bảo hiểm y tế. Nguồn quỹ đến từ các khoản đóng góp của giới chủ và lao động, Nhà nước hỗ trợ, tiền sinh lời của hoạt động đầu tư quỹ và nguồn thu hợp pháp khác. Nhóm tham gia là lao động khu vực chính thức, có hợp đồng, chi trả theo nguyên tắc “có đóng – có hưởng”.
Dự thảo Luật Việc làm sửa đổi lần đầu lấy ý kiến vào tháng 3, đang được Bộ Tư pháp thẩm định. Ban soạn thảo đề xuất không cố định mức đóng mỗi bên 1% vào Quỹ mà tối đa 1%; mở rộng diện đóng bảo hiểm thất nghiệp, quy định giờ làm thêm của học sinh, sinh viên 24 tiếng mỗi tuần… Công đoàn Việt Nam kiến nghị nâng mức hưởng trợ cấp lên 75% thay vì 60% như hiện hành; đồng thời không quy định hưởng tối đa 12 tháng mà tương ứng thời gian đóng.
Hồ sơ Luật Việc làm sửa đổi dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp tháng 10/2024.